• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TIÊU ĐỀ WEBSITE
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục thể chất tại trường học

Coi trọng phát triển thể chất để phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ cho học sinh (HS) là vấn đề được nêu tại Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Mặc dù được xác định có vai trò quan trọng không kém nhiệm vụ dạy các môn văn hóa, song, công tác giáo dục thể chất tại nhiều trường học chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế đang đặt ra yêu cầu phải đầu tư mọi mặt cho công tác giáo dục thể chất..

gdtc.jpg

Chưa tương xứng với vai trò, vị trí

Thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT cho thấy 95% số trường học trên cả nước đã thực hiện chương trình giáo dục thể chất (GDTC) chính khóa; 75% số trường có hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa, thu hút khoảng 70% trong tổng số gần 15 triệu HS phổ thông tham gia. Tuy nhiên, công tác GDTC, việc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong trường học chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất phục vụ cho tổ chức các hoạt động luyện tập tại trường còn thiếu.

Theo Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế thì “diện tích để làm sân chơi, sân tập từ 40% đến 50% so với tổng diện tích của nhà trường”, song, trên thực tế, tỷ lệ trường phổ thông có nhà GDTC hoặc thi đấu thể thao mới chỉ đạt khoảng 7%, tỷ lệ trường có sân tập là 15%, số có bể bơi chiếm chưa đầy 1%. Tại Hà Nội, các trường công lập đều có sân chơi, bãi tập dành cho HS, song, với khối ngoài công lập thì nhiều trường còn phải đi thuê, mượn địa điểm, tỷ lệ trường có đủ cơ sở vật chất phục vụ HS học tập, vui chơi mới đạt khoảng 1/3 tổng số trường…

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiệu quả công tác GDTC tại các trường phụ thuộc vào nhận thức, sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị. Huyện Thanh Trì dành phần lớn kinh phí xây dựng bể bơi tại 15/16 xã để phục vụ HS trên địa bàn. Quận Thanh Xuân có sáng kiến phổ cập bơi cho HS tiểu học bằng cách lắp đặt bể bơi di động. Trường Tiểu học Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) tổ chức cho HS học bơi tại Trung tâm Thể dục thể thao quận vào chiều thứ hai hằng tuần. Vài năm gần đây, ngoài bơi lội, taekwondo - môn học đang được HS các trường yêu thích - đã được đưa vào giảng dạy trong giờ học chính khóa ở khá nhiều trường tại khu vực quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm... Với đặc thù diện tích không lớn, nhiều trường học tại các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Ba Đình... lại tổ chức cho HS học bóng rổ. Đây là môn thể thao lôi cuốn và các đội bóng rổ HS Hà Nội thường đoạt thành tích cao tại nhiều giải bóng rổ cũng như kỳ đại hội thể thao.

Nhiệm vụ song hành

Tổ chức học tập và rèn luyện thể chất là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Giáo dục. Nghị quyết 29-NQ/TƯ đề ra nhiệm vụ “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ”. Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17-6-2016 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 cũng nêu định hướng chiến lược tổng thể về phát triển GDTC và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, đồng thời khẳng định vai trò của công tác GDTC đối với thế hệ trẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...