• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TIÊU ĐỀ WEBSITE
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THAM LUẬN Về công tác kiểm tra đánh giá học sinh trong trường THPT Trần Hưng Đạo năm học 2019-2020

SỎ GD&ĐT HƯNG YÊN

TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Tiên Lữ, ngày 11 tháng10 năm 2019

 

THAM LUẬN

Về công tác kiểm tra đánh giá học sinh trong trường THPT

 năm học 2019 – 2020

 

Kính thưa:

- Các đồng chí trong Ban giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên;

- Các vị đại biểu khách quý;

- Các đồng chí tham dự Hội thảo.

 

Cùng với việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học thì vấn đề đổi mới trong kiểm tra, đánh giá là một khâu hết sức quan trọng trong quá trình dạy – học. Làm thế nào để đánh giá được đúng trình độ, năng lực của học sinh cũng như chất lượng giảng dạy vào những thời điểm cụ thể theo mục tiêu của chương trình môn học là một câu hỏi lớn dành cho những người làm giáo dục. Thực tế, trong những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp nhằm cải tiến công tác KTĐG, bước đầu đã có chuyển biến tích cực song kết quả đạt được vẫn còn hạn chế.

Thực hiện Công văn số 1613/SGDĐT-GDTrH-GDTX ngày 08/10/2019 của Sở GD&ĐT Hưng Yên, v/v Hội thảo về kiểm tra đánh giá học sinh năm học     2019 – 2020, trường THPT Trần Hưng Đạo xin tham luận về việc thực hiện kiểm tra đánh giá học sinh tại trường chúng tôi như sau:

I. Công tác chỉ đạo về kiểm tra đánh giá học sinh

1. Chỉ đạo của Ban chuyên môn

 1.1. Các văn bản chỉ đạo   

- Công văn số 1444/SGDĐT-GDTrH ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Sở GD&ĐT Hưng Yên v/v Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2018 – 2019;

- Kế hoạch số 46/KH-THPTTHĐ ngày 09/08/2018 của Ban chuyên môn trường THPT Trần Hưng Đạo, về Kế hoạch hoạt động chuyên môn năm học    2018 – 2019;

- Công văn số 1434/SGDĐT-GDTrH ngày 09 tháng 09 năm 2019 của Sở GD&ĐT Hưng Yên, v/v Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2019 – 2020;

- Kế hoạch số 75 /KH-THPTTHĐ ngày 11/09/2019 của Ban chuyên môn trường THPT Trần Hưng Đạo, về Kế hoạch hoạt động chuyên môn năm học    2019 – 2020.

1.2. Những chỉ đạo cụ thể

- Thực hiện kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

- Kết hợp đánh giá kết quả với đánh giá quá trình (chú trọng ĐGQT).

- Nghiêm túc xây dựng ma trận đề kiểm tra (45 phút trở lên) và viết câu hỏi phục vụ ma trận đề.

- Mỗi năm học kiểm tra chung toàn trường 04 lần; 02 lần/học kì, gồm bài kiểm tra giữa kì và cuối mỗi kì.

- Tỉ lệ các mức độ nhận thức trong đề kiểm tra chung toàn trường là: nhận biết 40%, thông hiểu 30%, vận dụng 20%, vận dụng cao 10%.

- Hình thức kiểm tra các môn có sự kết hợp tự luận với trắc nghiệm khách quan theo tỉ lệ phù hợp với đặc thù từng môn, riêng môn Ngữ văn tự luận 100%.

- Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ tăng cường kiểm tra và thi thực hành.

- Các môn Văn, Sử, Địa, GDCD tăng cường ra đề ”mở”, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội thể hiện suy nghĩ và sáng tạo của mình.

2. Chỉ đạo của tổ chuyên môn

- Thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Ban chuyên môn.       

- Chú trọng đánh giá quá trình bằng cách sử dụng nhiều hình thức, phương pháp đánh giá khác nhau (đánh giá trên lớp, chấm hồ sơ học tập, đánh giá dự án, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm...).

- Đối với hình thức thi viết cần lưu ý:

+ Các bài kiểm tra từ 45’ trở lên phải được xây dựng theo ma trận trọng số, có sự kết hợp 2 hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan.

+ Tỉ lệ các mức độ nhận thức trong mỗi bài kiểm tra tùy thuộc đối tượng học sinh (tăng cường mức độ vận dụng và vận dụng cao ở các bài thi KHTN đối với đối tượng học sinh học tự chọn ban KHTN, ở các bài thi KHXH đối với đối tượng học sinh học tự chọn ban KHXH).

+ Tăng cường các câu hỏi, bài tập có nội dung thực hành; các câu hỏi, bài tập yêu cầu vận dụng kiến thức môn học/ kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường các câu hỏi TNKQ nhiều lựa chọn đúng.

II. Thực tiễn tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh

Trong những năm gần đây, trường THPT Trần Hưng Đạo đã thực hiện kết hợp đánh giá kết quả với đánh giá quá trình.

1. Mục tiêu

- Đánh giá khả năng học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn (đánh giá năng lực thực tế).

- Thu thập các thông tin phản hồi giúp điều chỉnh việc dạy và học, từ đó cải thiện kết quả học tập của học sinh.

2. Các hình thức kiểm tra đánh giá

Sử dụng nhiều hình thức và phương pháp đánh giá khác nhau. Không chỉ đánh giá bằng điểm số mà còn chú trọng các nhận xét định tính trong quá trình dạy học.

2.1. Đánh giá thông qua các hoạt động trên lớp

  2.1.1. Đánh giá thông qua bài kiểm tra

Vào đầu năm học, Ban CM yêu cầu các tổ/nhóm chuyên môn tiến hành:

- Lập kế hoạch kiểm tra định kì, thường xuyên (thể hiện rõ số lượng, thời gian, thời lượng thực hiện bài kiểm tra)

- Thống nhất hình thức kiểm tra

Kết hợp hai hình thức tự luận và TNKQ. Cụ thể:

+ Với các bài kiểm tra 45’ trở lên: Khối 10: 40% TN và 60% tự luận

                                                               Khối 11: 50% TN và 50% tự luận

                                                               Khối 12: 60% TN và 40% tự luận

+ Với các bài kiểm tra 15’: Có thể 100% tự luận hoặc trắc nghiệm.

+ Kiểm tra thực hành: Với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Địa lý, mỗi học kì, mỗi khối lớp có một bài kiểm tra thực hành lấy điểm hệ số 1.

- Thống nhất tỉ lệ các mức độ nhận thức trong mỗi bài kiểm tra

Tỉ lệ các mức độ nhận thức phụ thuộc vào đối tượng học sinh. Cụ thể:

+ Với các môn Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh học:

HS học tự chọn Ban KHTN: 30% NB, 30% TH, 30% VD, 10%VDC

                    HS học tự chọn Ban KHXH: 40% NB, 30% TH, 20% VD, 10%VDC

+ Với các môn Văn, Sử, Địa và GDCD:

HS học tự chọn Ban KHXH: 30% NB, 30% TH, 30% VD, 10%VDC

                    HS học tự chọn Ban KHTN: 40% NB, 30% TH, 20% VD, 10%VDC

+ Với các môn còn lại: Thực hiện thống nhất chung cho tất cả các khối lớp:

                                                                    40% NB, 30% TH, 20% VD, 10%VDC

- Thống nhất nội dung kiểm tra

Ngoài các câu hỏi, bài tập nhằm kiểm tra kiến thức, kĩ năng, cần tăng cường các câu hỏi, bài tập:

+ có nội dung thực hành (với các môn Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ, Tin học, Địa lý): 1-2 câu/ bài kiểm tra (45’ trở lên)

+ yêu cầu vận dụng kiến thức môn học/ kiến thức liên môn vào thực tiễn:   1-2 câu/ bài kiểm tra (45’ trở lên)

- Thống nhất cách đánh giá thông qua bài kiểm tra

Áp dụng cách đánh giá theo qui trình:

+ Cho học sinh làm bài kiểm tra.

          + GV chấm bài của học sinh (có nhận xét chi tiết) và trả bài.

          + GV công bố đáp án của đề kiểm tra.

          + GV yêu cầu học sinh tự chấm bài làm của mình và chấm bài cho nhau.

          + GV nhận xét bài kiểm tra và giải đáp các thắc mắc của học sinh.

          Cách đánh giá trên giúp HS tự đánh giá kiến thức, kĩ năng của bản thân cũng như đánh giá lẫn nhau, từ đó có sự điều chỉnh mục tiêu và phương pháp học tập.

2.1.2. Đánh giá thông qua hồ sơ học tập của học sinh

          GV kiểm tra hồ sơ học sinh thông qua 03 tiêu chí (tính chính xác về kiến thức; tính chủ động , khoa học, sáng tạo trong ghi chép nội dung bài học; tính thẩm mĩ của vở ghi) qua đó đánh giá được kỹ năng ghi chép bài, thậm chí cả sự tập trung trong giờ học của học sinh. Mỗi học sinh  được kiểm tra ít nhất 1 lần/1 học kì.

          Hình thức này giáo viên ghi nhận bằng viết lời nhận xét hoặc bằng hình thức ”tích sao đổi điểm”, dùng số lượng sao làm thang đo tính tích cực, mức độ đúng đắn, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh.

2.1.3. Đánh giá thông qua quan sát

          GV quan sát thái độ của học sinh trong giờ học; quan sát tinh thần xây dựng bài; quan sát tính tích cực trong hoạt động nhóm; quan sát kĩ năng thực hành, thí nghiệm; quan sát việc thực hiện dự án trong lớp học; quan sát một sản phẩm được thực hiện trong giờ học… qua đó có cái nhìn tổng quan về thái độ, hành vi, kĩ năng học tập của học sinh.

          Để thực hiện hình thức này, GV viết nhật kí giảng dạy theo từng ngày và theo từng lớp, ghi chép các hoạt động cần lưu ý trong mỗi giờ học, sau đó thông báo cho học sinh nhằm giúp các em có sự điều chỉnh trong các giờ học sau.

          Hình thức này giáo viên cũng ghi nhận bằng việc viết lời nhận xét trong nhật kí và bằng hình thức ”tích sao đổi điểm”.

2.1.4. Đánh giá thông qua vấn đáp

          Cách đánh giá này được tiến hành thường xuyên trong các giờ học. Qua đó đánh giá được khả  năng tư duy, phát hiện học sinh có tố chất bộ môn (đặc biệt là ở câu hỏi khó), đồng thời đánh giá mức độ tích cực, hứng thú học tập của học sinh.

          Hình thức này có thể đánh giá bằng điểm hoặc ghi nhận bằng lời nhận xét và ”tích sao đổi điểm”.

2.1.5. Học sinh tự đánh giá

          - Thông qua việc học sinh thực hiện các bài tập nhóm, thuyết trình, bài báo cáo/ dự án, giáo viên thiết kế bảng kiểm hoặc thang đo nhằm giúp học sinh tự đánh giá bài làm của mình theo các tiêu chí của bảng kiểm và thang đo.

          - Bằng hình thức này thì mỗi học sinh/ nhóm sẽ có sản phẩm khác nhau, có thể là tranh vẽ, sơ đồ, ảnh chụp, video, … Dựa trên kết quả của bảng kiểm hoặc thang đo, các nhóm tiến hành đánh giá, cho điểm; ngoài ra nhóm/ lớp bầu chọn những thành viên xuất sắc, giáo viên có thêm sự ghi nhận bằng hình thức ”tích sao đổi điểm” hoặc tặng thẻ kho báu.

2.1.6. Đánh giá thông qua việc kiểm tra nhanh cuối giờ

          Cuối mỗi giờ học, từ 5 – 10 phút, GV sử dụng một trong các kĩ thuật thu nhận thông tin phản hồi như:

          - Yêu cầu học sinh trả lời vào giấy 2 câu hỏi: Nội dung quan trọng nhất em đã học được là gì? Điều gì chưa hiểu trong bài?

          - Yêu cầu học sinh thiết kế sơ đồ tư duy hệ thống hóa kiến thức đã học.

          - Yêu cầu học sinh tóm tắt kiến thức vừa học bằng một số ít câu giới hạn.

          - Yêu cầu học sinh đặt câu hỏi về một nội dung nhất định và đưa ra câu trả lời cho nội dung đó…

          Bằng hình thức này, GV biết được học sinh đã có kiến thức gì, kiến thức gì chưa biết, từ đó hướng dẫn thêm cho học sinh.

2.2. Đánh giá tổng kết

          Việc đánh giá tổng kết được thực hiện theo kế hoạch của nhà trường: mỗi năm học kiểm tra chung toàn trường 4 lần; mỗi học kì 2 lần gồm bài kiểm tra giữa kì và cuối mỗi kì. Việc tiến hành các bài thi chung nhằm thu thập thông tin về kết quả học tập của học sinh so với mục tiêu của mỗi giai đoạn, làm cơ sở để phân loại học sinh. Hình thức này tuy không góp phần vào việc cải thiện kết quả học tập của học sinh trong giai đoạn được đánh giá, nhưng nó góp phần vào việc cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc cải tiến trong giai đoạn học tập tiếp theo.

          Như vậy, bên cạnh kết quả kiểm tra được đánh giá bằng điểm số thì các hình thức kiểm tra còn lại ghi nhận bằng lời nhận xét được viết trên vở học sinh hay nhật kí của GV qua những lần kiểm tra, ngoài ra còn ghi nhận bằng số lượng sao và thẻ kho báu các em được nhận trong học kì. Giáo viên căn cứ vào đó để chuyển đổi thành điểm cộng hay điểm trừ, thực tế giáo viên thường dùng cộng vào các điểm kiểm tra như miệng, 15 phút, thực hành. Trường hợp học sinh có điểm kiểm tra định kì không phù hợp với nhận xét trong quá trình học tập, GV có thể xem xét cho học sinh kiểm tra lại. Ngoài ra, dữ liệu này còn cung cấp cho giáo viên chủ nhiệm dùng để đánh giá hạnh kiểm của học sinh.             

III. Hiệu quả, tác động về cách tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh mà trường đang áp dụng

          1. Việc thực hiện đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau nhằm thu được những thông tin phản hồi 2 chiều, qua đó sẽ gợi ý cho những bước tiếp theo của quá trình dạy học. Cụ thể:

          - GV biết được những điểm mạnh, điểm yếu của học sinh về kiến thức, kĩ năng, thái độ, từ đó có sự điều chỉnh phương pháp dạy cho phù hợp. Như vậy, việc đổi mới kiểm tra đánh giá còn tạo động lực đổi mới PPDH cho GV, nâng cao ý thức trách nhiệm với nghề, với học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy.

          - Học sinh đánh giá được kiến thức, kĩ năng của bản thân, kiểm soát được việc học của mình, qua đó có sự thay đổi phong cách học giúp cải thiện kết quả học tập.

          2. Mặt khác, việc đánh giá không chỉ dựa vào điểm số mà còn bằng các nhận xét định tính trong quá trình dạy học giúp cho kết quả đánh giá chính xác hơn, có tác dụng thúc đẩy, khích lệ học sinh tích cực học tập.

          3. Thông qua kết quả kiểm tra đánh giá học sinh, Tổ chuyên môn, Ban chuyên môn nhà trường điều chỉnh việc quản lý và đưa ra giải pháp phù hợp như: thường xuyên tổ chức dự giờ, thăm lớp, rút kinh nghiệm; sinh hoạt chuyên môn với nội dung phong phú, thiết thực; giáo dục ý thức cầu thị, tự học tập, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng GV cốt cán về đổi mới PPDH, đổi mới KTĐG; đánh giá đúng năng lực, trình độ GV trong tổ, từ đó định hướng phát huy/ giúp đỡ GV thực hiện đổi mới PPDH, đổi mới KTĐG hiệu quả.

IV. Những khó khăn khi tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh

          - Khó khăn nhất hiện nay giáo viên gặp phải là khi thực hiện việc KTĐG không theo điểm số thì chưa biết lưu lại các kết quả KTĐG học sinh như thế nào cho khoa học, lấy đó làm minh chứng cho việc KTĐG mà mình đã thực hiện (mặc dù biết việc đánh giá này có lợi cho học sinh và mang tính toàn diện).

          - Việc sử dụng nhiều hình thức, phương pháp, công cụ kiểm tra đánh giá đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của giáo viên. Vì vậy với định mức 17 tiết/ tuần GV khó có thể làm tốt đồng thời cả đổi mới PPDH và đổi mới KTĐG.

          - Với các đề kiểm tra theo hình thức TNKQ, việc trộn đề cho giống đề thi THPTQG (phần dễ trước, phần khó sau) đang làm khó GV.

V. Đề xuất, kiến nghị

          Từ những khó khăn gặp phải nhà trường đề xuất Sở GD&ĐT như sau:

          - Tăng cường tập huấn về kiểm tra đánh giá cho GV và cán bộ quản lí.

          - Thiết kế mẫu lưu lại các kết quả kiểm tra đánh giá quá trình của mỗi học sinh/ mỗi lớp để giáo viên lấy đó thực hiện cho khoa học và hiệu quả.

          - Cung cấp phần mềm trộn đề giống đề thi THPTQG: 60% dễ trước, 40% khó sau.

          - Giảm định mức giờ dạy cho GV (nếu có thể).

          Trên đây là nội dung tham luận của trường THPT Trần Hưng Đạo về công tác kiểm tra đánh giá học sinh mà nhà trường đã và đang thực hiện trong những năm học gần đây, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các quý vị đại biểu.

Cuối cùng, xin kính chúc các đồng chí trong Ban giám đốc, các quý vị đại biểu, các đồng chí tham dự hội thảo dồi dào sức khỏe, nhiều niềm vui hạnh phúc. Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!     

                                        Xin trân trọng cảm ơn!


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết