• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TIÊU ĐỀ WEBSITE
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường THPT Trần Hưng Đạo tổ chức hội thảo đổi mới PPDH môn ngữ văn cụm các trường THPT

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN TỪ MỘT HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ

TẠI TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO – HUYỆN TIÊN LỮ - TỈNH HƯNG YÊN

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN TỪ MỘT HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ

TẠI TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO – HUYỆN TIÊN LỮ - TỈNH HƯNG YÊN

 

 

6h45 sáng, trời mưa phùn gió bấc, giá rét căm căm cũng không ngăn nổi từng đoàn cán bộ, giáo viên từ các trường THPT trong cụm (huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi, Kim Động và TP Hưng Yên). Họ trở về trường THPT Trần Hưng Đạo để tham dự Hội thảo chuyên đề: “Vận dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực trong dạy học môn Ngữ văn”. Dự và chỉ đạo Hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng phòng GDTrH, bà Đoàn Thị Tuyết, P.Trưởng phòng GDTrH – Sở GD&ĐT Hưng Yên; ông Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo cùng đại diện của Ban giám hiệu các trường THPT trong cụm.

Theo đúng kế hoạch, 7h15 phút, Hội thảo khai mạc. Thầy Lê Anh Quân, P.Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, thay mặt Ban tổ chức hội thảo phát biểu ngắn gọn nhưng đủ ý, vừa khích lệ động viên vừa gửi lời chúc sức khỏe nhân dịp đầu năm mới tới toàn thể các thầy, cô giáo tham dự hội thảo.

 

 

(Ông Nguyễn Mạnh Đạt – Trưởng phòng GDTrH, Sở GD&ĐT Hưng Yên phát biểu tại Hội thảo)

Đúng 7h30, các thầy cô giáo đã dự tiết dạy thực nghiệm do cô Vương Thị Cúc thay mặt tổ Văn trường sở tại thực hiện. Đây là tiết học đã được xây dựng theo đúng quy trình của đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học mà Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT đã hướng dẫn từ nhiều năm qua. (Bước 1: tổ chuyên môn họp để chọn bài học cần nghiên cứu, thảo luận tìm phương pháp kĩ thuật dạy học phù hợp, các thành viên cùng soạn giáo án; bước 2: tổ chuyên môn họp, chọn giáo án mẫu, cử người dạy lần 1; Bước 3: dự giờ và thảo luận về giờ dạy). Bài học được lựa chọn nghiên cứu là Vội vàng của Xuân Diệu. Phương pháp được vận dụng là dạy học theo góc với 3 góc: Góc phân tích (phân tích bài thơ); Góc Vận dụng (bình – ngâm); Góc nghệ thuật (vẽ tranh, phổ nhạc). Dạy học theo góc là cách phát huy thế mạnh, sở thích của từng học sinh, vì vậy các em tỏ ra rất hứng thú. Tiết học đã phát huy được khá nhiều năng lực của học sinh như: Đọc hiểu, phân tích thơ; bình – ngâm thơ; vẽ tranh, thuyết trình, phản biện... Theo đánh giá của chúng tôi, học sinh đã rất hào hứng nhận và thực hiện nhiệm vụ học tập, nhiều em thể hiện được tài năng sáng tạo tuyệt vời của mình.

 

(HS góc Vận dụng, báo cáo sản phẩm dưới hình thưc tiểu phẩm)

 

 

(HS góc Nghệ thuật thuyết trình sản phẩm)

 

Sau dự giờ, các thầy cô giáo đã trở lại phòng hội đồng họp, cùng nhau trao đổi chia sẻ những thành công và hạn chế của giờ dạy thực nghiệm. Chúng tôi trân trọng từng ý kiến chia sẻ, trong đó có nhiều ý kiến rất hay và tâm huyết. Những ý kiến phát biểu tại hội thảo không chỉ đơn thuần là chuyên môn mà nó còn chứa đựng cả lòng yêu nghề, tinh thần quyết tâm đổi mới và sáng tạo trong dạy và học. Tiêu biểu là ý kiến của thầy Nguyễn Văn Song – trường  THPT Phù Cừ, thày cho rằng: “trong bối cảnh đổi mới của toàn ngành hiện nay, những giờ dạy như thế này là rất đáng biểu dương; học sinh đã rất tích cực, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên; tiết học thực sự đã đưa văn học đến gần với cuộc sống của các em”. Hay ý kiến của cô Đoàn  Thị Tuyết (P.Trưởng phòng  GDTrH – Sở GD&ĐT): tiết học đã phát huy được nhiều năng lực của học sinh...

 

 

(Các thầy, cô giáo tham gia tranh luận lại Hội thảo)

Chúng tôi thực sự xúc động trước một thầy giáo đã đội trời mưa hơn 20km về đây để có những ý kiến xây dựng cho bài học. Phát biểu xong, thầy lại xin phép về ngay vì phải “lên lớp”. Những hình ảnh người thầy như thế đã khích lệ động viên chúng tôi rất nhiều, giúp chúng tôi có thêm niềm tin vào sự thành công của quá trình đổi mới, tăng thêm động lực làm việc và cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Hội thảo cũng nghe thêm ý kiến tham luận của trường THPT Kim Động, về một số lưu ý khi thực hiện hoạt động khởi động trong giờ học văn; trường THPT Nghĩa Dân, về vận dụng kĩ thuật bể cá; trường THPT Hưng Yên, về vận dụng kĩ thuật phòng tranh trong dạy học văn.

Buổi hội thảo khép lại bằng tình đoàn kết, ấm áp yêu thương và mở ra nhiều ý tưởng hay và táo bạo cho công việc dạy học sắp tới.

Bùi Thế Nhưng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết