Thấy gì từ “Trại sáng tác trẻ 2018” ?
Thấy gì từ “Trại sáng tác trẻ 2018” ?
Trong hai ngày 3 và 4 tháng 8 năm 2018, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên đã tổ chức cho toàn thể hội viên Trại sáng tác trẻ năm 2018 đi thực tế tại Nhà sáng tác Tam Đảo Vĩnh Phúc. Đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa, giúp hội viên có những trải nghiệm bổ ích không chỉ cho việc viết văn, làm thơ mà còn cho chính cuộc sống của mình.
Đúng 8h00 sáng 3/8, xe đón đoàn tại trụ sở Hội văn học nghệt thuật tỉnh Hưng Yên. Cùng đi có ông Nguyễn Mạnh Hoàn – Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên; ông Chu Huy Phương – Tổng biên tập Tạp chí Phố Hiến; một số thầy, cô giáo và gần 40 học sinh của 6 trường phổ thông: THPT chuyên Hưng Yên, THPT Trần Hưng Đạo, THPT Mỹ Hào, THCS Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ), THCS Lê Quý Đôn (Kim Động), THCS Chu Mạnh Trinh (Văn Giang). Sau hơn 3 giờ đồng hồ ngồi xe ô tô, đoàn đã đến Nhà sáng tác Tam Đảo. Không một ai thấy mệt mỏi mà ngược lại, tất cả đều rất hào hứng. Sau khi sắp xếp phòng nghỉ cho hội viên, ăn trưa, ban tổ chức bắt tay ngay vào chuẩn bị cho công việc buổi chiều.
Đúng 14h00, tại hội trường tầng 3, nhà sáng tác Tam Đảo, buổi giao lưu chuyên đề được bắt đầu trong sự chờ đợi, háo hức của các hội viên. Khách mời trong buổi giao lưu là nhà văn Chu Lai, nhà văn Phùng Văn Khai, là hai người con của quê nhãn Hưng Yên. Sau bài nói chuyện về kinh nghiệm sáng tác của hai nhà văn, các hội viên được tự do đặt câu hỏi giao lưu, đồng thời chia sẻ những tâm tư, tình cảm với những người đang cầm bút trên mặt trận văn hóa. Chúng tôi rất ghi nhận tinh thần hăng hái tham gia của các em. Điều đó nói lên lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ hôm nay trong công cuộc dựng xây đất nước.
(Em Phạm Hoàng Yến, HS trường THPT Trần Hưng Đạo, nêu câu hỏi giao lưu với
nhà văn Chu Lai và nhà văn Phùng Văn Khai)
(Nhà văn Phùng Văn Khai trao đổi, chia sẻ với các hội viên sáng tác)
Một điều rất đáng ghi nhận nữa là tình yêu của các hội viên dành cho văn chương nghệ thuật. Nếu ai đó vẫn trăn trở rằng tuổi trẻ hôm nay không còn thiết tha với môn Văn nữa thì buổi giao lưu này đã chứng minh một điều ngược lại. Các hội viên đã đặt ra nhiều vấn đề mà ngay cả những nhà văn lão thành như Chu Lai cũng phải giật mình. Em Phạm Hoàng Yến, học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo nêu lên một thực trạng vì sao văn học đương đại không thực sự cuốn hút với tuổi trẻ? Phải chăng là do chính cách nhìn, cách phản ánh của các nhà văn về cuộc sống đương đại không có những sáng tạo, gây ấn tượng? Em Lều Thanh Huệ, học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo lại đặt ra vấn đề tại sao tiểu thuyết ngôn tình tuy có phần nhảm nhí nhưng lại đang rất thu hút giới trẻ? Một học sinh trường THCS Lê Quý Đôn nêu vấn đề mang tính thách thức các nhà văn: tại sao văn học thiếu nhi trong nước không đáp ứng được thị hiếu của các em, để các em phải tìm đến những truyện tranh nước ngoài? Hoặc em Thu Hằng, học sinh trường THPT chuyên Hưng Yên cũng băn khoăn về cảm hứng, động lực sáng tác của nhà văn. Đặc biệt, em chất vấn trực tiếp nhà văn Phùng Văn Khai rằng, với tư liệu lịch sử hạn hẹp, công việc lại bận rộn, bằng cách nào nhà văn đã hoàn thành được tác phẩm đồ sộ như vậy? ... Tất cả những câu hỏi đó đã lí giải thuyết phục cho tình yêu văn chương của em. Đó cũng là tình yêu cuộc sống, yêu con người Việt Nam được kết tinh qua nhiều thế hệ. Chúng ta có quyền tin tưởng những đam mê ấy sẽ đơm hoa kết trái trong tương lai.
(Thầy và trò trường THPT Trần Hưng Đạo, chụp ảnh lưu niệm với nhà văn Phùng Văn Khai)
Với những điều ghi nhận nói trên, chúng tôi đã thấy hành trình Hưng Yên – Tam Đảo như một hành trình từ trang sách đến cuộc sống. Và cũng hi vọng nó khởi đầu cho một hành trình từ cuộc sống vào trang sách. Và cũng rất mong có thêm nhiều hành trình như thế, mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm cho các em, để thắp thêm lửa cho tình yêu môn Văn, tình yêu cuộc sống của tuổi trẻ.
Tam Đảo, 4/8/2018
ThS. Bùi Thế Nhưng
Bùi Thế Nhưng, giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo
Xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
ĐT: 0983510349
Email: buithenhung@gmail.com